Cha còn bên tôi
Thể loại: Truyện ngắn
Tác giả: Linh Hồn Lang Thang
Tình trạng: Đã hoàn thành
Tháng tư là mùa của những cơn mưa nặng hạt, có khi tôi ngây ngô hỏi ông trời:
Do trời muốn ban trận mưa, hay trời không thích ngày nắng?
Vào những ngày đó, sao cảm thấy lòng mình nặng trĩu, tôi chán nản ngồi gục xuống bàn, hiện tại chẳng biết bản thân mình đang nghĩ gì, chỉ biết là rất trống trải, rất mơ hồ.
Tâm hồn tôi như lạc đi đâu mất, trong đầu đang có hàng trăm điều băn khoăn, hàng ngàn lời thắc mắc với những ảo mộng về tương lai.
Sắp tới nên làm gì? Là tiếp tục con đường học vấn, hay nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình?
Thật ra, tôi muốn được tiếp tục học lên cao hơn, muốn theo đuổi con đường học vấn đầy gian nan trắc trở, nhưng không kém phần vinh quang tươi đẹp.
Học, để thành người. Học, để thoát nghèo.
Nhưng… chẳng có gì là như ý muốn!
Ngay cả lúc này đây, tôi vừa cãi nhau với ba một trận xong, tâm trạng hãy còn tồi tệ đến cực điểm.
Ba nói:
“Nhà mình nghèo, mang nợ ngập đầu còn chưa đủ khổ hay sao? Mỗi ngày lãi mẹ chồng lãi con, tiền đâu tao trả? Rồi mày đi học bao năm đã được cái gì chưa?”
Thế nên là…
Nghỉ học đi thôi!
Ba chẳng thể lo nổi tiền cho tôi đi học nữa, và sức một mình tôi cũng không thể kham nổi số tiền học phí đó. Thậm chí bây giờ, ba bắt tôi phải nghỉ học để ở nhà đi làm phụ ba, không kiếm được nhiều thì kiếm ít. Miễn sao vẫn đủ lo được miếng cơm manh áo hàng ngày. Tôi vì chuyện này mà lời qua tiếng lại với ba rất nhiều lần:
“Nhưng mà ba phải hiểu cho con, bao năm công sức đi học. Bây giờ nói bỏ là bỏ ngang, thành ra những năm qua của con đều là vô ích sao?”
“Ba còn phải kiếm tiền trả nợ… Tiền đâu mà lo cho mày đi học!”
Đúng rồi, tiền đâu…
Tiền đâu…
Thứ chi phối cuộc sống và vận mệnh của con người. Đến giờ chính tôi cũng bị nó đè cho không ngóc đầu lên nổi.
“Giang à Giang, mày nhìn xem thằng Phúc nhà bên kìa, nó nghỉ học từ lâu để ở nhà bán cơm giúp ông Nhất. Đến nay còn mua được chiếc xe máy để chạy. Còn mày thì sao? Học bao năm cũng không phụ ba được đồng bạc lẻ nào.”
Tôi chợt sững lại như nhớ đến chuyện gì đó.
Đúng rồi, thằng Phúc bằng tuổi của tôi, mà nó đã đi làm từ hồi kết thúc cấp ba, sớm kiếm được đồng ra đồng vào. Còn tôi… vùi đầu vào mớ sách vở bao năm mà một xu cũng chưa kiếm được. Trước giờ chỉ có ba là dùng tiền đổi lại kiến thức cho tôi. Bản thân tôi thậm chí còn chưa cho lại ba được cái gì.
Bây giờ cuộc sống thay đổi, có bao nhiêu là thứ phải lo nghĩ, và gia đình tôi cũng bị xã hội này quay đến chóng mặt.
Tôi nhớ lại hồi xưa, cái thời cuộc sống đơn giản và bình dị, mỗi ngày chỉ cần bát cơm trắng là đủ no. Lúc ấy vô lo vô nghĩ chẳng thấy chuyện chi phiền hà, đời sống vô tư của những con người chân chất mộc mạc là thế nào?
Là buổi sáng cắp sách tới trường, có khi ngủ gà ngủ gật đến quên chép bài. Bị cô giáo mời ba lên mắng cho một trận ra trò, lúc ấy tự nhiên thấy xấu hổ kinh.
Hay là buổi chiều dạo chơi trên cánh đồng lúa chín, nương nhờ cơn gió mùa thua để thổi tung cánh diều chao nghiêng.
Và tối muộn rong ruổi trên những con đường nô nức ánh đèn, đôi khi bắt gặp hàng quán bán đồ ăn vặt, nhất định sẽ kéo tay ba lại để vòi mua cho bằng được thứ kẹo xanh xanh đỏ đỏ.
Khi đó, tôi ôm mộng tưởng với tương lai đầy hứa hẹn, ước gì mình lớn thật nhanh, muốn được làm người trưởng thành để tự do bay nhảy dưới nền trời.
Sẽ chẳng còn bị ba quản thúc, không bị gia đình trói buộc vào mấy cái quy tắc:
“Mày còn nhỏ thì biết gì?”
“Sau này học hết cấp ba thì tính.”
Giờ đây, khi tôi thực sự trưởng thành rồi thì mới biết lưu luyến những ngày tháng khi xưa. Tôi muốn trở lại làm một đứa trẻ vô ưu vô lo, chẳng bao giờ phải tốn cả tá thời gian để suy tính từng đường đi nước bước. Cũng chẳng cần phải lo miếng cơm manh áo, lo cuộc sống gian truân trắc trở, phiền muộn lắm chuyện gia đình bất hòa…
Ước ao gì đó về tương lai… hay là thôi dẹp đi?
Ngày đó, tôi từng là đứa trẻ ngây thơ không thấu sự đời, luôn mang trên mình cái suy nghĩ non nớt và đơn giản, cứ thích làm mọi việc theo ý mình. Từng lời ba nói, từng trận la mắng dạy dỗ tôi chẳng bao giờ nghe lọt tai.
Ba bắt tôi học, tôi nhất định sẽ lẻn ra ngoài đi chơi.
Ba muốn tôi học thêm, đương nhiên tôi sẽ trốn học để chui đầu vào tiệm net.
Vậy nên, nhiều lần thiếu suy nghĩ đã dẫn đến hành động ngang ngược.
Tôi chống lại ba, tôi cãi lời ba, tôi muốn thể hiện bản thân, tôi khẳng định tôi đúng và ba mới là người sai. Dù câu chuyện chỉ đơn giản là tôi kết giao với những người bạn mà tôi cho là “chí cốt”, nhưng ba lại không chấp nhận.
“Mày chơi với bạn ba không cấm, nhưng không được chơi cùng phường ô hợp. Mày thấy chúng nó có ra gì không? Gần mực thì đen đấy con ạ!”
“Ba không hiểu! Bạn của con đứa nào cũng tốt và chẳng ai xấu xa như ba nói. Ba lúc nào cũng chỉ áp đặt con.”
Ba giận dữ nhìn tôi, thậm chí tôi còn thấy cả hai vai ba run run vì tức. Sau đó ba không nói thêm câu nào nữa, nhìn tôi thêm một cái rồi ba đập bàn bỏ đi.
Tôi còn âm thầm vui mừng vì lần này ba thua rồi, ba nói không lại tôi nên mới phải chịu thua. Nghĩa là ba từ nay sẽ phải chấp nhận việc tôi thích làm gì thì làm.
Tôi ngu ngốc đến như vậy đó, khờ khạo đến mức mà đi so đo hơn thua với người đã sinh ra mình.
Tôi nào có nhận ra, người cha ấy từng vì nhường tôi một tấm áo mưa mà ướt sũng cả đôi vai.
Đêm hôm ấy trời mưa như trút nước, ba đón tôi về từ nhà ngoại, chiếc áo mưa duy nhất ba trùm kín cả người tôi, còn ba thì để mặc cho mưa gió xối xả ập lên đầu.
“Hay là ba mặc chung áo mưa với con đi, còn thừa ra được một miếng nè ba!”
“Khỏi! Tao khỏe như trâu, mày mặc đi.”
“…”
Tôi chợt nhớ lại mà chạnh lòng, ký ức như một thước phim quay chậm chảy qua trong đầu.
Những buổi tối muộn, người cha còn mải mê chuẩn bị trước công việc cho ngày mai.
“Giăng mùng cho ba đi, chút ba vào ngủ.”
“…”
Quãng thời gian đi học của tôi đúng là rất “rực rỡ”. Ở lớp, tôi được xem như là đứa học sinh cá biệt, với thành tích lẹt đẹt ngót nghét mãi mới lên hàng thứ hai mươi tám, dù trong lớp chỉ có ba mươi đứa.
Kể về chiến tích quậy phá của tôi thì nhiều lắm, nhiều nhất là cô giáo thường mời ba lên trường viết giấy cam kết. Tôi chẳng thể đếm nổi ba đã viết bao nhiêu tờ giấy cam kết, cam kết rồi lại cam kết.
Nhớ những lần ba phải “muối mặt” vì “tội danh” tôi gây ra. Dường như việc này làm nhiều thành quen, lúc đầu ba còn mắng tôi, về sau thấy mắng nhiều cũng mệt, đâm ra ba… lười.
Tôi được dịp cười nắc nẻ:
“Ha ha ha, nhìn ba thế này con không quen. Hay là ba chửi con tiếp đi, rõ ràng con vừa mới quậy một trận xong mà!”
Ba liếc mắt nhìn sang, bực mình nói:
“Mày cũng không xem lại mày năm nay bao nhiêu tuổi. Chẳng lẽ lớn rồi thì tao hở tí mắng hở tí đánh.”
Tôi khịt khịt mũi, sánh vai cùng ba đi ra ngoài, “cũng đúng, nếu như ba không mắng nữa thì con sẽ suy nghĩ lại về việc phấn đấu lên hàng thứ hai mươi bảy.”
Ba bước ra khỏi cổng trường còn không quên ký vào đầu tôi một cái:
“Mày làm ơn học đàng hoàng giùm tao cái, đang đi làm cũng phải chạy lên viết cam kết cho mày.”
Tôi “ai ui” vài tiếng xoa xoa đầu:
“Ở lớp học chán lắm, con chỉ chơi ném máy bay thôi.”
Ba trợn trừng mắt nhéo má của tôi:
“Mày hay quá nhỉ? Thích gây việc cho tao làm thì có.”
Tôi le lưỡi ra vẻ vô tội, rồi bật cười khanh khách. Những lúc như thế này thật vui, tôi và ba rất hiểu ý nhau. Ba cho dù có mắng tôi quậy phá, nhưng mà ba vẫn hiểu được cái tính của tôi là như thế. Nên ba chấp nhận, cũng không ép buộc tôi quá nhiều.
Dù vậy, ba chỉ mong muốn một điều:
“Mày muốn quậy sao thì quậy, nhưng mà cũng phải học cho đàng hoàng.”
Tôi hơi chột dạ cúi đầu:
“Thì… vẫn đang học đàng hoàng mà.”
Ánh mắt của ba hơi xẹt qua tia thê lương, rồi nhanh chóng vụt tắt. Ba nhìn về phương xa, giọng nói nhỏ dần đi:
“Ba thương nên không đánh mày, cho mày mặc sức mà quậy. Con người có thể tính cách hiếu động một chút cũng được, nhưng không có nghĩa là quậy đi liền với ngu.”
Tôi chợt khựng lại bước chân, không thể ngờ là có ngày tôi sẽ nghe được câu này từ ba. Trước đến nay, ba là người đàn ông cứng miệng, nghe chửi còn được chứ nghe ba nói chữ “thương”, sao nó… xa vời quá.
Đoạn đường này tôi đi cùng ba, hai người cũng không nói thêm lời nào nữa. Cơn gió xào xạc thổi qua mái tóc muối tiêu của ba, nắng đầu xuân chiếu lên gương mặt có chút buồn. Bây giờ tôi mới nhận ra… ba hình như đã già hơn trước rồi.
Ba tôi khỏe lắm, ba có thể làm việc cả ngày ngoài đồng, giữa cái nắng gắt buổi trưa mà chẳng bao giờ than mệt. Tôi biết, ba cố gắng đến như vậy là vì muốn tôi được học hành đàng hoàng cho nên người.
Ấy thế mà… tôi lại chỉ biết quậy phá và cãi lời ba.
Nhưng mà hôm nay, đứa con ngỗ nghịch này được nghe một chữ “thương” đến từ chính ba. Tôi sửng sốt nhìn lại chính mình, thì ra cả chặng đường này… ba đã đi theo tôi từng bước chân.
Vậy có lẽ nào ba lại không thương tôi? Chỉ là những lời đó ba chẳng thể nói ra.
Lúc này tôi rất muốn khóc, thời gian qua tôi đã làm gì thế này?
Quậy phá, học dốt, và cho rằng đó là những chiến tích huy hoàng của cuộc đời.
Tôi ngộ ra… mình đã làm phụ lòng ba!
Người ngày ngày tần tảo sớm hôm cốt chỉ mong tôi học đến nơi đến chốn.
Nước mắt tôi lăn dài trên má, ánh mắt dõi theo bóng lưng lặng lẽ của người đàn ông phía trước. Hình như ba vẫn chưa phát hiện ra sự thay đổi của tôi, ba vẫn còn đang lẩm nhẩm tính toán xem chuyện nhà cửa tiền nong.
Ba còn bao nhiêu thứ phải lo, mà tôi lại… để ba phiền lòng.
Vậy nên, tôi vì những lời đó của ba mà thật sự thay đổi chính mình.
Quậy phá… không đi liền với ngu dốt.
Từ dạo đó, tôi chăm học và vùi đầu vào với sách vở, cố gắng lấp lại những khoảng trống mà mình đã bỏ lỡ trên con đường kiến thức. Tôi từ chối mọi cuộc vui chơi quậy phá, tôi dừng liên lạc với những người bạn, tôi bỏ qua thú vui đi tiệm net.
Tôi… nghe lời ba, vì tôi nhận thấy được căn nhà nhỏ này đang có vấn đề. Khi mà ba bỗng dưng lãnh một khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Lúc đó tôi đã hỏi rất nhiều chuyện, nhưng ba nhất mực giấu nhẹm đi.
“Bây cứ lo học cho thật giỏi, tiền nợ từ từ ba trả cũng hết. Không cần phải bận tâm, chuyện người lớn bây không hiểu được.”
Nhiều lần như vậy, tôi chán chường đến chẳng muốn hỏi gì thêm. Tôi nghe lời ba, nên miệt mài vào việc học, nhờ vậy thành tích của tôi phần nào được cải thiện. Ba thấy vậy thì vui lắm, nói chuyện với tôi cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.
“Chà, con gái học giỏi quá, từ hạng hai mươi tám mà lên tận mười lăm rồi. Để cuối tuần ba thưởng cho chuyến đi chơi nhé?”
Tôi nhận thấy rằng, thì ra việc học cũng có thể tuyệt vời đến như thế, khi mang về thành tích gì đó làm cho ba mừng… tôi cũng sẽ vui theo.
Thấm thoát trôi qua bao lâu, tôi lớn dần theo thời gian, và ba… cũng già theo thời gian.
“Mày sắp cao gần bằng ba rồi đấy.”
Cuộc sống vui vẻ đúng là chẳng kéo dài được lâu, khi tình hình ở nhà trở nên ngày càng tệ đi. Đó là vào lúc tôi thi đỗ một trường Đại học danh tiếng nhất nhì ở tỉnh. Tôi hứng khởi mang về giấy báo nhập học, ba cũng vui cùng tôi, nhưng mà đâu đó vẫn thấy ánh mắt ba vương chút buồn.
“Nhà mình nghèo nên cố gắng tiết kiệm nha con, ba cũng không biết được bao lâu nữa.”
Những ngày tháng tôi rong ruổi ở môi trường Đại học khiến cho áp lực tiền bạc đè nặng lên ba. Đôi vai gầy đó đã phải gồng gánh bao nhiêu thứ, ba còn kiếm thêm nhiều việc làm khác để cố tạo cho tôi điều kiện học tốt nhất.
Ba lao đầu vào công việc với bữa sáng vội vã:
“Con còn tiền không? Cho ba mượn hai chục ăn sáng.”
Những bữa cơm được miếng thịt thiếu miếng rau, gạo trong nhà hết sạch, cơm vét đến tận đáy nồi cũng chẳng còn hạt nào.
“Ba no rồi, mày ăn đi.”
“…”
“Cốc cốc…”
Chợt, có tiếng gõ cửa vang lên làm cắt ngang mạch suy nghĩ của tôi. Thì ra từ nãy đến giờ tôi nhìn mưa đến ngây người, bất giác nhớ lại những chuyện ngày xưa, lại không nhận ra ba đã vào phòng từ lúc nào.
“Ba… có chuyện gì ạ?”
Giờ đây ba đã già hơn trước rất nhiều, tóc bạc sợi còn sợi mất, chẳng biết bị rụng tóc đến vơi dần. Vết chân chim hằn sâu nơi đuôi mắt, ba lúc này trông mệt mỏi và có phần tiều tụy.
“Giang! Lại ba nhờ chút.”
“Mày nạp giúp ba cái thẻ điện thoại, mắt ba mờ quá chẳng thấy gì.”
Tôi thấy mũi mình cay cay, ba thì ra… đã già đến thế này rồi?
Im lặng hồi lâu, bỗng nhiên nghe bên tai là giọng nói quen thuộc của ba:
“Mà nè, lúc nãy ba hơi lớn tiếng, đúng là già rồi nên giận quá mất khôn. Nghe mày nói mà ba suy nghĩ mãi, thôi thì đừng nghỉ học nghe con. Bây ráng học tiếp đi, tiền bạc để ba cố xoay thêm thời gian nữa. Chứ ai đời đang đi học lại bất thình lình bỏ ngang… thành ra mấy năm cố gắng trở nên công cốc.”
Giọng ba nhỏ dần, cảm giác như thời gian đã bào mòn ba, đến âm thanh phát ra nghe cũng trầm trầm, chẳng còn mạnh mẽ hữu lực như ngày xưa.
“Giang, ráng học nghe con, để ba cố gắng xem thế nào… đừng lo nghĩ nhiều quá.”
Tôi thường trách ba khó tính, cứng nhắc và kiệm lời, nhưng thử ngẫm lại, nó thật sự có đúng không?
Tình cảm gia đình là một thứ gì đó rất khó nói, tôi cũng chẳng thể giải thích được nhiều. Chỉ biết là mình rất yêu thương người đàn ông trước mắt này, người hy sinh thầm lặng vì con cái, mệt nhọc cũng chẳng than lấy một lời.
Dù gì… người thân duy nhất trên đời của tôi cũng chỉ còn mỗi ba.
So với việc bản thân được ba đồng ý tiếp tục cho đi học, thì tôi lại thấy may mắn hơn.
May mắn, vì… ít ra ba còn bên tôi.
Nghèo khổ, hay giàu có, miễn là tôi vẫn còn có ba. Và tôi trân trọng khoảnh khắc này hơn bao giờ hết. Quá khứ từng có người dõi theo bước chân tôi, và sau này vẫn sẽ cùng tôi đi đến hết cuộc đời.
Trải qua nhiều chuyện, mới thấy trân trọng khoảng thời gian bên ba.
– Hết –